Giới thiệu chung về địa phương

Thứ sáu - 19/11/2021 04:39
- Lịch sử hình thành và phát triển: Vùng đất thị xã Quảng Trị xưa thuộc châu Ô Vương quốc Chăm Pa. Năm 1306, sau hôn lễ giữa vua Chăm Pa Chế Mân với công chúa Huyền Trân của Nhà Trần Đại Việt, hai châu Ô và Rí (Lý) của Chăm Pa được làm quà sính lễ nhập vào nước Đại Việt. Nhà Trần đổi châu Ô làm Thuận Châu, châu Lý làm Hoá Châu, vùng đất thị xã Quảng Trị ngày nay thuộc Thuận Châu. Vào đầu thời Nhà Nguyễn, năm 1809, xã Thạch Hãn (vùng đất thị xã Quảng Trị hiện nay) trở thành dinh lỵ của tỉnh Quảng Trị và Thành Quảng Trị được xây dựng, ban đầu được đắp bằng đất, đến năm Minh Mạng thứ 18 (1837), thành được xây dựng bằng gạch nung. Qua quá trình thăng trầm của lịch sử, Ngày 17/02/1906, toàn quyền Đông Dương thành lập thị xã Quảng Trị là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị thời bấy giờ.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), thị xã Quảng Trị trở thành huyện lỵ của huyện Triệu Phong. Tháng 01/1977, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định thành lập thị trấn Triệu Phong. Tiếp đó, hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng hợp nhất thành huyện Triệu Hải, thị trấn Triệu Phong được đổi thành thị trấn Triệu Hải. Ngày 18/5/1981, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập thị trấn Quảng Trị (bao gồm thị trấn Triệu Hải và Xã Hải Trí).
Le ky niem thanh lap tx Qtri
Sau khi tỉnh Quảng Trị được lập (01/7/1989), ngày 16/9/1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 134/QĐ-HĐBT thành lập thị xã Quảng Trị gồm 2 phường với diện tích 6,341 km2. Ngày 19/3/2008, Chính phủ ra Nghị định số 31/2008/NĐ-CP V/v điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong để mở rộng địa giới hành chính thị xã Quảng Trị, điều chỉnh địa giới hành chính các xã, phường để thành lập phường thuộc thị xã Quảng Trị với cơ cấu 4 phường và 1 xã, gồm: phường 1, 2, 3, An Đôn và  xã Hải Lệ.
Dai hoi dảng bo tx Qtri
Thị xã Quảng Trị là địa danh nổi tiếng với di tích lịch sử Thành Cổ Quảng Trị gắn với 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Chiến công Thành Cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử chiến tranh Cách mạng Việt Nam như một chiến tích hào hùng đầy máu lửa, là bản anh hùng ca về tinh thần quả cảm, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của quân và dân cả nước cũng như quân và dân thị xã Quảng Trị anh hùng.
- Vị trí địa lý: Thị xã Quảng Trị thuộc vùng đồng bằng của tỉnh Quảng Trị, cách thành phố tỉnh lỵ Đông Hà 12 km về phía Nam. Có toạ độ địa lý từ 16º37'44'' đến 16º46'09'' vĩ độ Bắc và từ 107º03'55'' đến 107º12'26'' kinh độ Đông. Ranh giới được xác định như sau:
+ Phía Bắc giáp huyện Triệu Phong.
+ Phía Nam giáp huyện Hải Lăng.
+ Phía Đông giáp huyện Hải Lăng.
+ Phía Tây giáp huyện Đakrông và huyện Triệu Phong.
- Tổng diện tích tự nhiên của thị xã Quảng Trị là 7.282 ha chiếm 1,54% diện tích cả tỉnh, bao gồm 05 đơn vị hành chính cấp xã là Phường 1, Phường 2, Phường 3, phường An Đôn và xã Hải Lệ. 

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây