PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, KHAI THÁC, SỬ DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN, ĐA DẠNG SINH HỌC, PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Thứ tư - 08/05/2024 05:01
PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, KHAI THÁC, SỬ DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN, ĐA DẠNG SINH HỌC, PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
1. Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh
a) Về phân vùng môi trường:
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt: Khu dân cư tập trung ở nội thành của thành phố Đông Hà; phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của các khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ; Khu vực bảo vệ 01 của di tích lịch sử - văn hóa được công nhận; vùng bảo hộ vệ sinh nguồn nước mặt dùng cho cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Vùng hạn chế phát thải: Phân khu phục hồi sinh thái, dịch vụ hành chính, vùng đệm của các khu bảo tồn thiên nhiên; Khu bảo vệ cảnh quan Rú Lịnh, rừng đặc dụng Cồn Cỏ; hành lang đa dạng sinh học kết nối Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Bắc Hướng Hóa; khu dân cư tập trung là nội thị của các đô thị loại IV, V đến năm 2030 theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị.
Các vùng khác bao gồm toàn bộ diện tích còn lại của tỉnh Quảng Trị.
b) Về bảo tồn đa dạng sinh học
Nâng cấp 02 Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Đakrông thành vườn quốc gia; quy hoạch chuyển tiếp Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, Khu bảo vệ cảnh quan Rú Lịnh. Thành lập mới Khu bảo vệ cảnh quan Rừng đặc dụng đảo Cồn Cỏ. Nghiên cứu khả năng thành lập Khu bảo tồn biển Vĩnh Thái – Kim Thạch (Gò đồi ngầm).
Quy hoạch chuyển tiếp hành lang đa dạng sinh học kết nối Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Bắc Hướng Hóa. Thành lập các khu vực đa dạng sinh học cao Minh Hóa, Quảng Bình - Đakrông, Quảng Trị, khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng Biển Quảng Bình - Quảng Trị.
c) Về quan trắc chất lượng môi trường
Duy trì và phát triển mạng lưới quan trắc, giám sát môi trường đồng bộ, hiện đại, tích hợp với hệ thống quan trắc môi trường quốc gia.
Mạng lưới quan trắc môi trường định kỳ gồm có 09 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt, 14 trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất, 39 trạm quan trắc nước sông, 14 trạm quan trắc xâm nhập mặn, 16 trạm quan trắc nước hồ, 13 trạm quan trắc nước biển, 38 trạm quan trắc nước dưới đất, 14 trạm quan trắc nước thải, 36 trạm quan trắc không khí, 39 trạm quan trắc đất, 14 trạm quan trắc trầm tích.
Hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục gồm có 05 trạm quan trắc tự động nước sông, 07 trạm quan trắc tự động không khí, 02 trạm quan trắc tự động nước biển ven bờ và 02 trạm điều hành quan trắc môi trường.
d) Về phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp
Tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế chính sách quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện có. Kết hợp bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng với khai thác sử dụng rừng hợp lý, kết hợp chặt chẽ giữa trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng, cải tạo, làm giàu rừng với bảo vệ diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh trồng rừng sản xuất, phát triển cây cho lâm sản ngoài gỗ, trồng cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ, sản xuất, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị gia tăng cao và thu nhập từ rừng, bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục triển khai các giải pháp về khoa học công nghệ trong lĩnh vực giống cây lâm nghiệp. Thu hút các nguồn vốn đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bằng phương thức xã hội hóa đầu tư cho lâm nghiệp.
2. Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản, để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo; tiến tới chấm dứt các hoạt động khai thác khoáng sản bất hợp pháp; khai thác nhỏ lẻ; đình chỉ hoạt động đối với các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường.
Rà soát quy hoạch, loại bỏ những địa điểm, vị trí không còn phù hợp. Thực hiện đúng việc cấp phép mỏ theo quy hoạch đã được phê duyệt, các cam kết về trách nhiệm trong công tác quản lý khoáng sản theo quy định.
Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; tiếp tục triển khai thực hiện tốt đề án tăng cường quản lý thu phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, sử dụng có hiệu quả nguồn thu từ hoạt động khoáng sản.
Khoanh định 345 khu vực thăm dò và khai thác, chế biến khoáng sản. Tập trung khai thác, chế biến sâu các sản phẩm mà tỉnh có tiềm năng lợi thế. Đối với nhu cầu sử dụng đất công trình phụ trợ mỏ, quy mô mỏ thực hiện điều chỉnh để cấp phép theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành; cấp phép khai thác, quản lý khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng phù hợp với nhu cầu địa phương và quy định hiện hành của pháp luật.
(Chi tiết tại Phụ lục XX kèm theo)
Xem vàu tải tại đây: /uploads/quy-hoach-tinh/2024_05/phu-luc-xx.pdf
3. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra
a) Khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước
Ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng theo thứ tự: (1) Đảm bảo đủ nước sử dụng cho sinh hoạt cả về số lượng và chất lượng; (2) Đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho môi trường để duy trì hệ sinh thái thủy sinh trên các sông chính của từng khu dùng nước; (3) Đảm bảo yêu cầu nước cho phát triển công nghiệp, Khu/cụm công nghiệp đóng góp giá trị kinh tế lớn cho tỉnh; (4) Đảm bảo cung cấp nước cho ngành nông nghiệp (bao gồm chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản).
Tăng cường bảo vệ chất lượng nguồn nước, xây dựng các hồ chứa điều tiết nguồn nước, xây dựng các công trình khai thác lấy nước mặt nhằm đáp ứng cho các nhu cầu sử dụng nước và duy trì dòng chảy tối thiểu; tiến hành xây dựng các hồ chứa thủy lợi theo quy hoạch; tăng cường các biện pháp quản lý, chống thất thoát, lãng phí tài nguyên nước; hạn chế đến mức thấp nhất việc khai thác quá ngưỡng giới hạn dòng chảy tối thiểu trên sông, quá giới hạn độ sâu mực nước cho phép đối với tầng chứa nước, đặc biệt là hạn chế các nguy cơ ô nhiễm, suy giảm nguồn nước mặt, nước dưới đất.
b) Phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra
- Xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt và xây dựng kế hoạch chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác để xử lý khi lũ, lụt xảy ra; bảo đảm các quy hoạch phát triển, tiêu chuẩn xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và khu dân cư vùng ngập lũ phù hợp với tiêu chuẩn chống lũ của vùng.
- Xây dựng và vận hành hồ chứa nước phải có phương án bảo đảm an toàn công trình, phòng, chống lũ, lụt cho hạ lưu phù hợp với Phương án phòng, chống lũ, lụt của từng lưu vực sông. Hỗ trợ việc xây dựng các công trình thủy lợi ở các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán để có nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và phòng, chống cháy rừng.
- Đầu tư, hỗ trợ cho việc xây dựng đê biển, cống ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ chắn sóng để phòng, chống xâm nhập mặn và nước biển dâng.
- Tổ chức quan trắc, cung cấp kịp thời thông tin, dự báo về khả năng xuất hiện mưa đá và thông báo kịp thời cho nhân dân biết để có biện pháp phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại; tổ chức thanh tra, giám sát và bảo đảm các doanh nghiệp trong các ngành có hàm lượng khí thải cao, có biện pháp xử lý khí thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để tránh gây mưa axít.
4. Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu
a) Phân vùng rủi ro thiên tai
Phân vùng rủi ro đối với từng loại thiên tai trên địa bàn tỉnh. Công tác phòng chống thiên tai được triển khai đồng bộ theo 03 giai đoạn “Trước thiên tai, trong thiên tai và sau thiên tai” trên cơ sở thực hiện có hiệu quả phương châm "Chủ động phòng, tránh, thích nghi để phát triển" và “4 tại chỗ”; thực hiện nguyên tắc “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, áp dụng nhóm biện pháp phi công trình và nhóm biện pháp công trình nhằm đạt được mục tiêu chung là kiểm soát được thiên tai và giảm thiểu các thiệt hại về con người, tài sản do thiên tai gây ra.
b) Phương án quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu
Xây dựng được các giải pháp trọng tâm và ưu tiên nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu đối với từng ngành, lĩnh vực và khu vực. Ứng dụng cách tiếp cận thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái; củng cố, nâng cao năng lực cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh về mặt thể chế, tổ chức, chính sách, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho toàn dân về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của toàn dân vào các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Huy động nguồn lực tài chính từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm nguồn tài trợ quốc tế, ngân sách nhà nước và xã hội hóa trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
 

Tác giả: Son Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây