PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI; PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH, LĨNH VỰC

Thứ tư - 08/05/2024 04:05
PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI; PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội
a) Các tiểu vùng phát triển:
- Vùng trung du và đồng bằng cao (từ hai bên quốc lộ 1 đến hai bên đường bộ cao tốc): Là vùng trọng điểm phát triển kinh tế và đô thị, các đô thị hiện hữu đóng vai trò hạt nhân; ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng, kết nối, tạo động lực phát triển; phát triển công nghiệp, dịch vụ dọc các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 1 và các hành lang Đông - Tây.
- Vùng ven biển: Là vùng trọng điểm phát triển các đô thị du lịch, khu du lịch tổng hợp ven biển, kết nối với đảo Cồn Cỏ; hình thành các tổ hợp nuôi trồng, chế biến thủy sản hiện đại, thân thiện môi trường; phát triển các tổ hợp công nghiệp sạch kết hợp với dịch vụ và đô thị, dân cư; duy trì, phục hồi và mở rộng dải rừng phòng hộ ven biển, phục hồi môi trường vùng rừng sinh thái vùng cát; phát triển Khu kinh tế Đông Nam là khu kinh tế biển tổng hợp, trọng tâm là công nghiệp năng lượng, công nghiệp đa ngành khai thác lợi thế ven biển, logistic; xây dựng sân bay tại Gio Linh và cảng biển tại Mỹ Thủy.
- Vùng trũng (nằm giữa vùng ven biển và vùng đồng bằng cao): Là tiểu vùng phụ trợ, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao; nâng cấp hạ tầng và chất lượng môi trường sống của các khu dân cư hiện hữu, tăng cường kết nối với vùng trung tâm; phát triển du lịch sinh thái; phục hồi môi trường và chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với nước và biến đổi khí hậu.
- Vùng núi phía Tây: Là tiểu vùng phụ trợ, phục hồi, bảo tồn sinh thái vùng núi, đan xen với phát triển du lịch sinh thái bền vững; phát triển điện gió; phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với thương mại, dịch vụ, logistic, trung tâm hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái, trong đó, khu vực cửa khẩu Lao Bảo và La Lay có tính chất chính là du lịch sinh thái, thương mại và logistic; hình thành và phát triển Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đen-sa-vẳn.
b) Các hành lang phát triển: Là các trục lõi động lực, đồng thời kết nối các tiểu vùng kinh tế - xã hội, gồm:
- Hành lang phát triển trung tâm (vùng trung du và đồng bằng cao - từ hai bên quốc lộ 1 đến hai bên đường cao tốc Bắc - Nam): tập trung các hoạt động kinh tế công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đào tạo… và đô thị, gắn với các hành lang hạ tầng kỹ thuật quốc gia theo hướng Bắc - Nam.
- Hành lang phát triển ven biển, trọng tâm là khu công nghiệp khí, công nghiệp đa ngành khai thác lợi thế cảng biển, dịch vụ logistic, đô thị du lịch sinh thái biển và sinh thái vùng cát ven biển gắn với phục hồi hệ sinh thái.
- Hành lang phát triển Đông - Tây dọc theo quốc lộ 9: Khai thác tiềm năng và lợi thế của hành lang quốc tế Đông - Tây, kết nối cửa khẩu Lao Bảo – Đông Hà - Cửa Việt, phát triển logistic, thương mại, dịch vụ, du lịch, nâng cao chất lượng môi trường sống của dân cư, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với cộng đồng và du lịch sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng.
- Hành lang phát triển Đông - Tây dọc theo quốc lộ 15D: Khai thác tiềm năng và lợi thế của hành lang quốc tế Đông - Tây, kết nối cửa khẩu Quốc tế La Lay - Cảng Mỹ Thủy, phát triển logistic, thương mại, dịch vụ, du lịch, nâng cao chất lượng môi trường sống của dân cư, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với cộng đồng và du lịch sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát huy tiềm năng kinh tế biển gắn với cảng biển quốc tế.
- Hành lang phát triển biên giới - hành lang phụ trợ, gắn với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, kết nối với các hành lang Đông - Tây để phát triển kinh tế vùng biên giới Việt - Lào, tạo động lực thúc đẩy phát triển khu vực vùng núi, tổ chức một số điểm cao ngắm cảnh, chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của dãy Trường Sơn từ trên cao, kết hợp với phát triển các điểm dân cư và đô thị gắn với du lịch sinh thái núi, tổ chức trải nghiệm văn hóa cộng đồng, dân tộc.
- Hành lang phát triển phụ trợ dọc theo đường 9D, kết nối các điểm đô thị Hồ Xá - Bến Quan - Hướng Phùng với không gian ven biển cũng như vùng núi phía Tây: khai thác đa dạng sinh thái, văn hoá, lịch sử để phát triển du lịch sinh thái - văn hoá - lịch sử, cộng đồng; phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, đặc biệt là cây công nghiệp, trồng rừng nguyên liệu,…
2. Phương án phân vùng chức năng không gian biển
a) Vùng chú trọng bảo tồn, bảo vệ và phát triển kinh tế (vùng I): Vùng bảo tồn (I.A) tập trung các sinh cảnh, hệ sinh thái quan trọng; vùng bảo vệ và phát triển lâm nghiệp (I.B) là vùng có diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
b) Vùng phát triển kinh tế (vùng II) gồm có: (i) vùng phát triển đô thị du lịch và dịch vụ biển (vùng II.A) có tiềm năng phát triển khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, dịch vụ ven biển; (ii) vùng hoạt động cảng và giao thông, vận tải biển (vùng II.B) có cảng biển, bến tàu và các vùng nước sử dụng cho vận tải biển và các hoạt động thương mại, dịch vụ liên quan; (iii) vùng phát triển công nghiệp (vùng II.C) tổ chức các hoạt động phát triển công nghiệp; (iv) vùng phát triển nông nghiệp (vùng II.D) có tiềm năng phát triển nông nghiệp; (v) vùng phát triển nuôi trồng thủy sản (vùng II.E) có cửa sông, có địa hình thấp, vùng đất bị ảnh hưởng tình trạng xâm nhập mặn và không phù hợp cho phát triển các ngành kinh tế khác; (vi) vùng phát triển đa mục tiêu (II.F) là trung tâm phát triển đô thị đa ngành tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
c) Vùng khai thác thủy sản gồm có: (i) vùng khai thác thủy sản ven bờ (vùng III.A) là vùng nước ven bờ của tỉnh trong phạm vi tuyến bờ, ngoại trừ các vùng nước thuộc phạm vi các vùng hoạt động cảng, du lịch và bảo tồn biển Cồn Cỏ; (ii) vùng khai thác thủy sản xa bờ (vùng III.B) là vùng biển của tỉnh có phạm vi bên ngoài vùng khai thác thủy sản ven bờ và vùng bảo tồn biển Cồn Cỏ.
3. Phương hướng phát triển ngành quan trọng
a) Công nghiệp - xây dựng:
- Kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, ưu tiên phát triển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp.
- Phân bổ khai thác, sử dụng hợp lý khoáng sản ở mức tăng trưởng ổn định, cân đối và bền vững, bảo vệ môi trường; đầu tư phát triển về công nghệ, kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao để giảm chi phí vận hành, phát sinh trong quá trình khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản...; nghiên cứu thăm dò, đánh giá tác động môi trường và tiến hành khai thác đất san lấp, phục vụ cho nhu cầu xây dựng và phát triển đô thị, các khu chức năng.
- Công nghiệp chế biến: phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, may mặc, thức ăn gia súc, dược liệu, may mặc, da giày...
- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp silicat; chế biến khoáng sản...
- Công nghiệp hỗ trợ: phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ như cơ khí sửa chữa, lắp ráp điện tử...
- Công nghiệp năng lượng: phát triển năng lượng tái tạo, điện sinh khối, điện hydrogen. Tập trung phát triển các nguồn nhiệt điện khí, năng lượng điện gió và công nghiệp khí tại vùng ven biển và đảo Cồn Cỏ; ưu tiên áp dụng công nghệ sản xuất khí hydro xanh và khí amoniac xanh từ các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện sử dụng năng lượng hóa thạch trên địa bàn. Triển khai xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, mở rộng hồ chứa thủy lợi, kết hợp cải thiện hệ thống thủy lợi và khả năng ứng phó với thiên tai trên các lưu vực sông.
b) Dịch vụ:
- Phát triển ngành thương mại, dịch vụ logistic tại khu vực Cam Lộ, Gio Linh, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, cửa khẩu quốc tế La Lay; hình thành các trung tâm logistics cảng cạn (ICD); phát triển khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo thành khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Đensavan; phát triển cảng Mỹ Thuỷ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hoá của khu vực và thế giới.
- Xây dựng hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu đảm bảo đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh. Xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại, cụm thương mại dịch vụ, hệ thống chợ các cấp phục vụ cho nhu cầu trao đổi hàng hoá và phục vụ sinh hoạt của người dân; phát triển hạ tầng thương mại đô thị và nông thôn và xây mới một số chợ đầu mối, chợ nông sản, thủy hải sản; phát triển nhanh các ngành dịch vụ với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao.
- Chú trọng phát triển nhóm các ngành tài chính - ngân hàng, bất động sản gắn với các trung tâm đô thị, du lịch và các trung tâm sản xuất kinh tế, phục vụ dân sinh... Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, sử dụng rộng rãi trong toàn xã hội.
c) Du lịch:
- Xây dựng và phát triển Quảng Trị trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đặc trưng riêng về lịch sử - văn hóa ở khu vực miền Trung, đồng thời, là hạt nhân quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Hình thành thương hiệu du lịch Quảng Trị trên cơ sở khai thác giá trị biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ từ đổ nát do chiến tranh tàn phá, ký ức chiến tranh - khát vọng Hòa Bình; phát huy lợi thế về biển đảo, sinh thái, văn hóa, tín ngưỡng... và kết nối liên vùng trong hệ thống du lịch di sản miền Trung, cùng các hành lang kinh tế quốc gia, quốc tế.
- Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, trọng tâm là phát triển tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ và dải đô thị du lịch ven biển. Kết nối du lịch tìm hiểu lịch sử - chiến tranh cách mạng của Quảng Trị với du lịch các địa phương trong khu vực; phát triển sản phẩm du lịch gắn với Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng tại khu vực ven biển, ven các hồ và tại vùng núi phía Tây. Phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển du lịch thông minh, du lịch số,... Gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, cảnh quan, ứng phó biến đổi khí hậu.
d) Nông, lâm nghiệp và thủy sản:
- Cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; phát huy tiềm năng, lợi thế từng tiểu vùng sinh thái, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới, công nghệ cao về giống, sinh học, kỹ thuật sản xuất và thu hoạch, bảo quản, chế biến và kết nối thị trường tiêu thụ. Phát triển nông nghiệp hàng hóa áp dụng công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái, hữu cơ; sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
- Phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, bền vững, lấy chất lượng, giá trị gia tăng thay vì số lượng; áp dụng hệ thống thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và các chứng nhận tương đương, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích sản xuất hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Duy trì diện tích đất trồng lúa nước khoảng 24.500 ha; cây hồ tiêu diện tích khoảng 2.500ha; cây cà phê diện tích khoảng 5.000 ha; cây cao su diện tích 20.000 ha; hình thành vùng trồng cây ăn quả (chuối, cam, bơ, thanh long); mở rộng sản xuất cây dược liệu ở vùng gò đồi, vùng núi khoảng 7.000 ha. Phát triển vùng chăn nuôi bò, lợn tại các xã vùng đồi phía Tây. Duy trì rừng trồng nguyên liệu chất lượng cao, hướng đến trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng khu vực miền Trung; mở rộng diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) từ 20.000 - 22.000 ha. Tiếp tục phát triển các cơ sở chế biến thuỷ sản hiện đại, đảm bảo môi trường và sản phẩm chất lượng cao; đầu tư, nâng cấp các cơ sở hạ tầng nghề cá tại Cửa Tùng, Cửa Việt.
4. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác
a) Phát triển y tế:
Phát triển hợp lý hệ thống y tế thông minh; đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lực xây dựng, phát triển các cơ sở y tế chất lượng cao. Duy trì và nâng cao năng lực của trung tâm kiểm soát bệnh tật và các trung tâm thuộc lĩnh vực Pháp y, Giám định y khoa. Xây dựng mới bệnh viện Y học cổ truyền; duy trì và bổ sung các cơ sở y tế ngoài công lập.
b) Phát triển giáo dục và đào tạo:
- Tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục cơ bản cho mọi đối tượng. Giữ vững và nâng cao chất lượng đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; đổi mới giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề theo hướng đảm bảo hợp lý về quy mô, cơ cấu, trình độ..., nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm. Huy động nguồn lực hợp pháp để tham gia đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp.
c) Phát triển văn hóa, thể thao:
- Tiếp tục đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, nâng tầm các di sản tiêu biểu, có ý nghĩa lớn và di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, lựa chọn các di tích trọng điểm đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới nhằm nâng tầm giá trị và làm giàu văn hóa Quảng Trị.
- Mở rộng các hoạt động thể dục thể thao quần chúng, nâng cao thành tích thi đấu thể thao tỉnh, thu hẹp khoảng cách trình độ với các đơn vị mạnh trong toàn quốc.
- Thu hút sự đầu tư của xã hội, doanh nghiệp cho các hoạt động thể thao, trong đó, tập trung vào phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể thao và đào tạo đội ngũ phục vụ cho việc tổ chức các giải thể thao chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Xây dựng cơ chế chính sách cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể thao giải trí; áp dụng mức thuế ưu đãi nhằm khuyến khích huy động các nguồn lực của nhân dân và xã hội hỗ trợ, đầu tư vào lĩnh vực thể thao giải trí và dịch vụ nghỉ dưỡng.
d) Lao động, việc làm và phát triển nguồn nhân lực:
Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề từ cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề; đẩy mạnh các hoạt động liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp; xây dựng chính sách phù hợp hỗ trợ các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng sản xuất; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, tạo việc làm thông qua hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và từ các tổ chức tín dụng; triển khai thực hiện các chính sách thu hút nhân tài từ trong và ngoài nước.
đ) Phát triển khoa học và công nghệ:
Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển mô hình sản xuất mới, kinh tế số, xã hội số. Phát triển mạnh mẽ, đồng bộ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, trong đó tập trung phát triển các lĩnh vực, công nghệ ưu tiên, có khả năng ứng dụng cao. Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo cơ chế thị trường, hướng trọng tâm vào doanh nghiệp. Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm chủ thể của hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ.
 

Tác giả: Son Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây