Định hướng đầu tư phát triển
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh cũng như vị thế địa chính trị - kinh tế của địa phương trong tỉnh cũng như khu vực, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, xu thế phát triển của thị trường và nhu cầu liên kết, liên doanh phát triển vùng, lĩnh vực, định hướng phát triển các nhóm nghành, lĩnh vực đầu tư ưu tiên phát triển trong thời gian tới:
1. Thương mại - dịch vụ
Tập trung phát triển mạnh các ngành nghề thương mại dịch vụ, xây dựng thị xã Quảng Trị thành trung tâm kinh tế thương mại dịch vụ khu vực phía Nam tỉnh Quảng Trị, kêu gọi đầu tư trung tâm thương mại; siêu thị cao cấp, siêu thị kinh doanh tổng hợp; các nghành nghề Dịch vụ - Tài chính - Ngân hàng; Khu dịch vụ logistic, kho hàng…
Trong giai đoạn 2021-2025 kêu gọi đầu tư: 02 siêu thị tại địa điểm số 285, đường Trần Hưng Đạo, Phường 2 (723m2) và số 135, Đường Hai Bà Trưng, Phường 3, thị xã Quảng Trị (4.200m2); 01 Trung tâm thương mại tại địa điểm Sân vận động, Phường 3 (22.600m2) và 01 Tổ hợp khách sạn - dịch vụ phía Bắc cầu Thành Cổ ( khách sạn đật tiêu chuẩn 3 sao trở lên).
2. Du lịch
Đột phá trong phát triển du lịch, khai thác lợi thế là địa phương có di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ - Quảng Trị để phát triển du lịch. Từng bước xây dựng thị xã trở thành là một trong các điểm đến trên con đường Di sản văn hóa Miền Trung và biểu tượng của thành phố Hòa Bình. Thị xã Quảng Trị, bên cạnh điểm nhấn Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972, còn có rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa khác như Nghĩa Trũng Đàn, Nhà thờ Đá Hàn, địa điểm toàn Khâm Sứ…, cảnh quan thiên nhiên sông Thạch Hãn… đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể Hò Như Lệ và văn hóa dân gian vùng miền là tài nguyên vô giá để phát triển du lịch. Với hệ thống các di tích lịch sử cách mạng Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị gắn với dòng sông Thạch Hãn huyền thoại là tài nguyên cho loại hình du lịch tâm linh cách mạng, du lịch về nguồn, du lịch đồng đội và chiến trường xưa, du lịch giáo dục thế hệ trẻ với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước… Các nội dung đầu tư phát triển du lịch 2021 – 2025:
- Đầu tư cơ sở kinh doanh du lịch: xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp Khu du lịch sinh thái Đập Tràn, xung quanh hồ đập Trấm (xã Hải Lệ); Bãi đỗ xe du lịch, Khách sạn đạt chuẩn từ 03 sao trở lên;
- Đầu tư khai thác các sản phẩm dịch vụ du lịch: du lịch đường sông và dịch vụ vui chơi giải trí trên sông Thạch Hãn; Dịch vụ xe điện tham quan thị xã Quảng Trị và các điểm di tích; Khai thác hiệu quả di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị trong các sản phẩm du lịch; Phát triển không gian du lịch thị xã khai thác có hiệu quả tuyến du lịch: Thành Cổ - Nhà thờ La Vang, Thành Cổ - Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang – Nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư lê Duẩn; Du lịch đường sông: Thành Cổ Quảng Trị - Đông Hà – Cửa Việt, Thành Cổ Quảng Trị - Đập tràn Hải Lệ - Ba Lòng…
3. Công nghiệp- TTCN
Tập trung đẩy mạnh phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở khai thác các ngành công nghiệp có lợi thế, như chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến gỗ,... Củng cố, phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm của các cơ sở gắn với khai thác, sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương và các vùng phụ cận.
- Đầu tư các lĩnh vực công nghiệp sạch: chế biến lâm sản, sản xuất cơ khí; sản xuất vật liệu xây dựng; may công nghiệp; nghề truyền thống… tại Cụm Công nghiệp Hải Lệ; kêu gọi 4 đến 5 dự án đầu tư có vốn đăng ký trên 20 tỷ đồng. Phấn đấu đạt tỷ lệ lấp đầy của Cụm Công nghiệp Hải Lệ trên 70%.
- Hình thành và phát triển một số cơ sở sản xuất hàng hóa lưu niệm đặc trưng của thị xã phục vụ cho lễ hội và khách du lịch.
4. Nông nghiệp
Đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp công nghệ cao; trang trại chăn nuôi tập trung tại Hải Lệ.