Điều kiện tự nhiên

Thứ bảy - 20/11/2021 23:04
1. Địa chất - địa hình:
Địa hình của huyện là đồi, núi cao, bị chia cắt mạnh bởi các sông suối; nơi cao nhất là đỉnh Kovaladut 1.251m (so với mặt nước biển) nằm ở phía Đông Nam huyện, thấp nhất là bãi bồi ven sông Ba Lòng có độ cao 25m (so với mặt nước biển). Địa hình -  địa mạo của huyện có thể chia thành 3 dạng tiêu biểu là:
- Dạng địa hình thung lũng hẹp:
Đây là dạng địa hình tương đối bằng phẳng nằm giữa các vùng đồi núi, thích hợp cho việc phát triển cây trồng nông nghiệp (lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày,...), dạng địa hình thung lũng hẹp được phân bố chủ yếu ở các xã Hướng Hiệp, Mò Ó, Triệu Nguyên, Ba Lòng và xã Tà Rụt.
- Dạng địa hình đồi thấp:
Là dạng địa hình có độ dốc 8 – 20º với độ cao địa hình từ 150 - 300m được phân bố chủ yếu ở các xã phía Bắc và Đông Bắc huyện (Hướng Hiệp, Mò Ó, Triệu Nguyên, Ba Lòng, Đakrông và rải rác ở một số xã phía Nam dọc sông Đakrông). Khu vực này thích hợp để phát triển cây lâu năm như: cây ăn quả, cà phê, hồ tiêu, cao su...
- Dạng địa hình núi cao:
Là dạng địa hình có độ cao trung bình từ 600 - 800m, được phân bố hầu hết ở các xã trong huyện nhưng nhiều nhất là các xã Ba Nang, Tà Long, Húc Nghì, A Vao, Tà Rụt, A Bung, A Ngo. Đây là dạng địa hình thích hợp cho phát triển lâm nghiệp.
2. Khí hậu – Thủy văn:
a) Khí hậu, thời tiết: Đakrông nằm trong vùng chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa tương đối điển hình, gió Tây Nam khô nóng về mùa hè, gió Đông Bắc ẩm ướt về mùa Đông. Nền nhiệt tương đối cao, tổng lượng nhiệt cả năm từ khoảng 8.500 - 9.000ºC, tổng lượng nhiệt này cho phép phát triển trồng trọt với đa dạng cây trồng.
- Nhiệt độ: nhiệt độ trung bình trong năm vào khoảng +24,50C; nhiệt độ thấp nhất vào tháng 01 (16-19ºC) ; nhiệt độ cao nhất vào tháng 7 (33 - 36ºC).
Số ngày có nhiệt độ trên 30ºC từ 104 - 114 ngày (trong đó số ngày có nhiệt độ trên 35ºC là 29 - 47 ngày). Thời kỳ nhiệt độ cao ở Đakrông lại trùng với thời kỳ độ ẩm thấp, lượng bốc hơi lớn gây khô hạn, hạn chế đáng kể đến sự phát triển của cây trồng, đặc biệt với những cây trồng ngắn ngày và cây trồng cạn.
- Chế độ mưa: hàng năm Đakrông nhận được một lượng mưa khá lớn, lượng mưa trung bình khoảng 2.375 mm (các xã phía Nam huyện có lượng mưa lớn hơn 300 - 400 mm). Lượng mưa và mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11) chiếm khoảng 86% tổng lượng mưa hàng năm. Từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau là thời kỳ ít mưa, tổng lượng mưa thời kỳ này chiếm khoảng 14% tổng lượng mưa hàng năm.
Số ngày mưa trung bình năm là 150 ngày. Trong mùa mưa, số ngày mưa càng nhiều (từ 50-70% số ngày trong tháng), có những cơn mưa có cường độ rất lớn, lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ đạt đến 447mm, thấp nhất 110mm. Mưa lớn trong mùa mưa là tác nhân hàng đầu gây rửa trôi, xói mòn đất, xói mòn đất, đặc biệt đối với vùng đất có độ dốc khá lớn, bên cạnh đó mưa lại gây ngập úng các vùng đất thấp, đây là yếu tố làm giảm thiểu đáng kể độ màu mỡ và độ dày của tầng đất, hạn chế, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất. Thời kỳ ít mưa trùng với thời kỳ nắng nóng, lượng bốc hơi lớn, độ ẩm không khí thấp gây khô hạn trên diện rộng hạn chế khả năng gieo trồng, năng suất cây trồng.
- Độ ẩm không khí: thời kỳ ẩm ướt nhất xảy ra vào khoảng từ tháng 01 đến tháng 3. Không khí ở trạng thái bão hoà hơi nước và thường có mưa nhỏ hay mưa phùn. Trong các tháng mùa hạ, độ ẩm tương đối trung bình từ 78-85%, nhưng có thời điểm xuống đến 27 - 41% (từ tháng 4 đến tháng 8).
Trong một ngày đêm, độ ẩm không khí tương đối giảm đột ngột vào lúc mặt trời mọc đạt trị số thấp nhất vào lúc quá trưa, sau tăng dần. Về đêm độ ẩm không khí ít thay đổi và duy trì ở mức cao, thường đạt cực đại lúc 4 giờ sáng cho đến trước lúc mặt trời mọc.
Trong những tháng mùa nóng, vào những ngày ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng, độ ẩm tương đối thấp nhất giảm xuống 28 - 32%.
Mùa đông, tuy độ ẩm không khí trung bình lớn nhưng độ ẩm thấp nhất trong ngày có thể giảm xuống rất thấp tới 16-20% do những đợt không khí cực đới khô tràn xuống phía Nam hoặc do chịu tác động của gió Tây Nam khô nóng hoạt động sớm, ảnh hưởng đến thời tiết của tỉnh.
Tại Đakrông tổng lượng bốc hơi trung bình năm vào khoảng 1.200-1.500mm, lượng bay hơi lớn nhất trong 24 giờ khoảng 24 mm và thường xảy ra vào mùa hạ, vào những ngày có gió Tây Nam khô nóng mạnh. Trong các tháng mùa đông lượng bay hơi thường nhỏ. Ngược lại mùa hè (tháng 5-9) lượng bay hơi chiếm 70-75% tổng lượng bay hơi cả năm. Đakrông là nơi khô hạn nhất trong tỉnh, thời gian khô hạn trong năm là 6 tháng, hạn kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, mạnh nhất vào tháng 6-7. Đây là vùng có chỉ số khô hạn lớn nhất tỉnh (sau TP.Đông Hà).
- Bức xạ mặt trời - nắng – mây: Nằm trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu, cũng như cả nước, Đakrông được thừa hưởng một chế độ bức xạ dồi dào.
+ Lượng bức xạ thực tế bình quân năm        : 126,17 Kcal/cm2/tháng
+ Cán cân bức xạ bình quân năm                  : 78,831 Kcal/cm2/tháng
+ Số giờ nắng trung bình năm                       : 1.840 giờ
+ Tỷ suất nắng bình quân năm                      : 41%
+ Lượng mây tổng quan bình quân (tính theo 1/10 bầu trời): 8,0
+ Lượng mây dưới trung bình (tính theo 1/10 bầu trời): 5,7
- Chế độ gió: Đakrông chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Đây là địa phương có cường độ gió Tây Nam thổi nhiều và mạnh. Gió Tây Nam khô nắng đã làm tăng đáng kể tính khắc nghiệt của thời kỳ khô hạn ở Đakrông, làm tăng lượng bốc hơi, giảm độ ẩm không khí, gây cạn kiệt nguồn nước mặt, hạ thấp mặt nước ngầm và ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi và cuộc sống của con người.
Số ngày trung bình có gió Tây Nam khô nóng: 51 ngày; tốc độ gió Tây Nam mạnh nhất đã quan sát trong vòng 12 năm là 21m/s; nhiệt độ không khí cao nhất 43,1ºC; độ ẩm không khí thấp nhất 28%. Vào mùa đông khoảng từ tháng 10 đến tháng 3, hướng gió chủ yếu là hướng Đông và Đông Bắc gây ra mưa và lụt. Xen giữa các đợt gió mùa Đông Bắc là những ngày gió Đông hoặc Đông Nam, chính nhờ các đợt gió này mà cây trồng, gia súc nói riêng và sinh vật nói chung sau những ngày rét mướt kéo dài của gió Đông Bắc, có điều kiện nhanh chóng phục hồi trạng thái sinh trưởng và phát triển để đủ sức chịu đựng thời tiết xấu do một đợt không khí lạnh khác ảnh hưởng.
- Bão và lũ lụt: Sự khắc nghiệt của chế độ khí hậu ở Đakrông càng trở nên khắc nghiệt hơn khi bên cạnh thời kỳ khô hạn gay gắt lại đến thời kỳ chịu ảnh hưởng của bão lụt nặng nề. Bão lụt thường xảy ra từ tháng 7 đến tháng 11 (chủ yếu tập trung từ tháng 8-10). Mùa bão lụt thường là mùa mưa. Khi có bão mưa càng lớn gây xói mòn đất và sạt lở mạnh các công trình, đường xá.
b) Thuỷ văn, nguồn nước
Hệ thống sông suối của Đakrông phân bố tương đối đều trên toàn lãnh thổ. Trên địa bàn huyện có hai con sông lớn chảy qua là: sông Ba Lòng và sông Đakrông.
Sông Ba Lòng - Ảnh: Song Nguyên
Sông Ba Lòng được hợp lưu từ hai con sông chính là sông Đakrông và sông Rào Quán. Chiều dài sông Ba Lòng chảy qua huyện là 38 km, lưu lượng trung bình 41,98 m3/s, qua các xã Đakrông, Mò Ó, Triệu Nguyên, Ba Lòng. Ngoài hợp lưu hai con sông trên còn có các con suối khác đổ vào sông Ba Lòng như: khe Làng An, khe Vẽ, khe Ba Lòng, khe Thù Lu...
Sông Đakrông bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn phía Nam và phía Đông Nam huyện, chảy qua các xã A Bung, A Ngo, Tà Rụt, Húc Nghì, Tà Long, Ba Nang và Đakrông với chiều dài 85 km. Trong lưu vực sông Đakrông có các suối lớn như suối Seam (A Vao), suối Ra Ngao (A Bung), suối Ta Sam và suối Ba Lệ (Húc Nghì),...
Sông Đakrông đoạn qua xã Húc Nghì, Tà Long - Ảnh Hồ Thị Thương
Ngoài ra ở phía Bắc huyện (xã Hướng Hiệp) còn có suối Khe Duyên đổ ra sông Trinh Hinh (Cam Lộ) và các ao hồ, suối nhỏ khác. Tuy nhiên, lưu lượng nước mùa khô của hệ thống khe suối này khá nhỏ.
Phía hạ lưu sông Ba Lòng (đoạn chảy qua Triệu Nguyên, Ba Lòng) lòng sông rộng, sâu, nhân dân sử dụng vào việc vận tải đường sông rất thuận lợi.
3. Tài nguyên:
a) Tài nguyên đất
Theo số liệu thống kê đất đai năm 2020, tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện là 118.483,15 ha; trên địa bàn huyện có 7 loại đất chính sau:
- Đất phù sa được bồi (Pb): phân bố dọc sông Ba Lòng và ven sông Đakrông (khu vực Tà Rụt). Loại đất này có phẫu diện đồng nhất, thành phần cơ giới thịt pha cát, đất có kết cấu tốt. Qua phân tích cho thấy đất có phản ứng chua pHKCl = 4,7, mùn trung bình (0,88 - 1,55%), đạm hơi nghèo, cation trao đổi khá, dung tích hấp thu thấp. Trên loại đất này hiện nay nhân dân đã sử dụng trồng đậu, lạc, ngô.
- Đất nâu vàng trên phù sa cổ (Fp): phân bố chủ yếu ở xã Hướng Hiệp, Mò Ó (dọc Quốc lộ 9), xã Triệu Nguyên, Ba Lòng (dọc sông Ba Lòng). Đất có địa hình lượn sóng, thấp thoải, hơn 70% ở độ dốc dưới 80. Đất đã được trồng trọt lâu đời, tầng mặt một số nơi bị rửa trôi các chất dinh dưỡng. Qua phân tích phẫu diện tại Ba Lòng cho thấy đất chua pHKCl = 4,1 - 4,2; các chất tổng số mùn, đạm, lân đều nghèo (OM = 0,21 - 0,87%; N = 0,05 - 0,07%; P = 0,05 - 0,06%); dung tích hấp thu thấp. Loại đất này phù hợp với cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả.
- Đất đỏ vàng trên đá sét (Fs): phân bố chủ yếu ở các xã Triệu Nguyên, Ba Lòng, Mò Ó, Hướng Hiệp, Đakrông. Đa phần đất có độ dốc từ 150 trở lên. Qua phân tích cho thấy thành phần cơ giới thịt pha cát, mùn tổng số nghèo (0,7 - 1,24%); lân, kali tổng số đều nghèo; đất rất chua pHKcl = 4,1. Với loại đất này những vùng có địa hình thấp nhân dân thường trồng sắn. Hướng sử dụng loại đất này chủ yếu là cho lâm nghiệp, còn một ít diện tích ở vùng thấp cần khai thác theo mô hình nông lâm kết hợp.
- Đất nâu tím trên đá sét (Fe): phân bố chủ yếu ở các xã Tà Long, A Ngo, A Bung và một ít ở Ba Nang, Hướng Hiệp... Đây là loại đất nằm ở độ cao 300 - 700m. Loại đất này có thành phần cơ giới thịt cát pha, đất chua pHKCL = 4,1; mùn trung bình khá (1,76 - 1,78%); đạm tổng số trung bình; lân nghèo và kali khá; dung tích hấp thu thấp. Với loại đất này ở những vùng đất dốc cần có biện pháp bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng cây giữ đất; những vùng có địa hình thoải, thấp, sườn hơi dốc có thể phát triển hoa màu hoặc trồng cây lâu năm như quế, cây ăn quả, cao su,...
- Đất đỏ vàng trên đá biến chất (Fj): phân bố chủ yếu ở các xã A Bung, Húc Nghì, Tà Rụt, Ba Nang, Hướng Hiệp. Một phần đáng kể loại đất này thích hợp cho phát triển các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như: cao su, quế, cà phê, cây ăn quả... Chất lượng đất tương đối khá (mùn 1,5 - 2,0%; đạm và kali dễ tiêu trung bình, lân dễ tiêu nghèo 3 - 5 mg/100g đất).
- Đất vàng nhạt trên đá cát (Fq): phân bố chủ yếu ở các xã Tà Long, A Ngo, Ba Nang, Đakrông, Mò Ó và Hướng Hiệp. Đa phần đất có độ dốc trên 80 và tầng dày lớp đất mịn trên 50 cm, chất lượng đất trung bình: mùn 0,92 - 1,56%, kali dễ tiêu 5 - 8 mg/100g đất, thành phần cơ giới nhẹ. Nhìn chung loại đất này thích hợp với các loại cây lâu năm như: quế, cây ăn quả và cây công nghiệp.
- Đất vàng đỏ trên đá Mácma axit (Fa): phân bố chủ yếu ở các xã Tà Long, Húc Nghì, A Ngo, Ba Nang, Đakrông và Hướng Hiệp. Đa phần đất có độ dốc trên 80 và tầng dày lớp đất mịn từ 40 - 60 cm, chất lượng đất trung bình: mùn 0,90 - 1,54%, kali dễ tiêu 6 - 9 mg/100g đất, thành phần cơ giới nhẹ. Cũng như nhóm đất vàng nhạt trên đá cát, loại đất này thích hợp với các loại cây lâu năm như: quế, cây ăn quả và cây công nghiệp.
Ngoài những nhóm đất đã nêu trên, còn có nhóm đất trên nền địa hình bằng thấp (phù sa sông suối, đất thung lũng) tuy quy mô không lớn nhưng có ý nghĩa quan trọng trong cơ cấu trồng trọt của vùng. Đây là loại đất thuận lợi cho sản xuất lương thực (lúa nước, ngô), cây thực phẩm (rau, đậu...).

Loại đất

Ký hiệu

Diện tích (ha)

Cơ cấu (%)

1. Đất phù sa được bồi

Pb

2.189

1,82

2. Đất nâu vàng trên phù sa cổ

Fp

3.178

2,53

3. Đất đỏ vàng trên đá sét

Fs

24.114

21,46

4. Đất nâu tím trên đá sét

Fe

23.433

19,51

5. Đất đỏ vàng trên đá biến chất.

Fj

25.446

21,11

6. Đất vàng nhạt trên đá cát

Fq

31.495

25,15

7. Đất vàng đỏ trên đá Macma axit

Fa

10.628

8,42

Tổng diện tích điều tra

 

 

100

Diện tích khác

 

 

 

Tổng diện tích tự nhiên

 

118.483

 


b) Tài nguyên nước
- Nguồn nước mặt: nguồn nước mặt trong vùng rất phong phú, hệ thống sông suối khá nhiều và phân bố tương đối đều, đặc biệt là hai sông chính: sông Ba Lòng và sông Đakrông.
- Nguồn nước ngầm: chưa có một chương trình nào điều tra cụ thể về trữ lượng và chất lượng nước ngầm ở trong huyện bằng khoan thăm dò. Tuy nhiên qua khảo sát các giếng đào cho thấy nước ngầm mạch đều sâu trên 15m.
Nhìn chung nguồn nước trong vùng khá phong phú nhưng có một số hạn chế như địa hình dốc, lòng sông sâu nên việc khai thác sử dụng nguồn nước mặt rất khó khăn. Nước ngầm phân bố sâu đòi hỏi phải đầu tư đáng kể mới có thể khai thác đưa vào sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt.
c) Tài nguyên rừng
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp Đakrông có 113.406,4 ha (năm 2020), chiếm 95,71% diện tích tự nhiên toàn huyện. Diện tích đất có rừng là 78.654,4 ha chiếm tỷ lệ 66,38% diện tích đất tự nhiên. Diện tích rừng chủ yếu là tự nhiên phục hồi, chiếm 79,3%, còn lại 20,7% là diện tích rừng trồng. Diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ trên địa bàn huyện năm 2020 là 77.369,5 ha, chiếm tỷ lệ 65,3% diện tích tự nhiên của huyện.
Rừng trồng có chất lượng khá, tăng trưởng ở mức độ trung bình. Các loại cây được chú trọng đưa vào trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán và cây trồng phụ trợ trong trồng rừng phòng hộ bao gồm chủ yếu các giống keo lá tràm, keo tai tượng, keo lai (giữa keo tai tượng và keo lá tràm).
- Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông (37.666,01ha)
Hệ động vật ở khu bảo tồn rất đa dạng và phong phú với nhiều loài đặc hữu và quý, hiếm đến nay đã ghi nhận được trên 682 loài động vật bao gồm 89 loài thú, 193 loài chim, 49 loài lưỡng cư-bò sát, 210 loài bướm, 69 loài mối, 72 loài cá. Với tổng số 333 loài động vật có xương sống ở cạn, trong đó có 56 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam và 40 loài ghi trong danh lục đỏ thế giới.
Hệ thực vật thống kê được 1.452 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 28 loài thực vật quý hiếm; thuộc 670 chi, 153 họ của 05 ngành thực vật là: Thông đất (Lycopodiophyta), Cỏ tháp bút (Lycopodiophyta), Dương xỉ (Polypodiophyta), Thông (Pinophyta), Mộc Lan (Magnoliophyta), đã ghi nhận được 74 loài thực vật động vật rừng nguy cấp quý hiếm, trong đó: 38 loài có trong sách đỏ Việt Nam, 40 loài có trong sách đỏ Thế giới và 09 loài có trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP.
- Khu bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh huyền thoại (5.237,4 ha)
Đây là khu vực có tính đa dạng sinh cao, bước đầu thống kê được 532 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 356 chi, 121 họ; có 32 loài thú thuộc 17 họ 6 bộ; 104 loài chim thuộc 42 họ 15 bộ và nhiều loài động vật khác. Khu bảo tồn này được thành lập ngoài việc bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng thường xanh núi thấp vùng chuyển tiếp giữa Bắc và Nam Trường Sơn, còn nhằm bảo vệ các di tích văn hóa lịch sử cách mạng đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
d) Tài nguyên động vật hoang dã
Hệ sinh thái động vật hoang dã huyện Đakrông khá phong phú, có nhiều loại động vật thuộc loại quý hiếm như: vượn má vàng trung bộ, Vượn đen má trắng, gà lôi lam mào trắng, Gà lôi lam mào đen… trong đó Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông là vùng quan trọng đối với việc bảo tồn các loài thú. Hai loài thú mới phát hiện gần đây là Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) và Mang lớn (Megauntiacus vuquangensis) đều được ghi nhận trong khu này. Ngoài ra, còn có Vọoc vá (Pygathrix nemaeus), Khỉ đuôi lợn (Macaca nemestrina), Khỉ mặt đỏ (M. arctoides) và Vượn đen má hung (Hylobates leucogenys).
Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá có ý nghĩa lớn về môi trường- sinh thái, khoa học và cả về kinh tế.
e) Tài nguyên khoáng sản
Khoáng sản trên địa bàn huyện chủ yếu các loại hình khoáng sản làm vật liệu xây dựng như: đá, cát, sỏi, đất sét làm gạch ngói. Ngoài ra còn có một số ít mỏ vàng.
- Cát, sỏi: chủ yếu nằm ở lưu vực sông Thạch Hãn, sông Đakrông. Hiện huyện Đakrông có 9 điểm khai thác cát sỏi đã được cấp phép và đang hoạt động khai thác. Tổng diện tích được cấp phép 54,24ha. Trữ lượng khai thác khoảng 1.412.624 m3.
- Đá làm vật liệu xây dựng: Chủ yếu là đá vôi, đá bazan và granit, là những loại khoáng sản có trữ lượng khá lớn, đã và đang được khai thác chế biến phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng. Hiện có 01 mỏ đá trong địa bàn huyện đang làm thủ tục cấp phép khai thác, diện tích 2,95ha. Trữ lượng khai thác khoảng 665.038 m3.
- Đá granít sản xuất đá ốp lát dọc đường Hồ Chí Minh qua khảo sát có trữ lượng khai thác tương đối phong phú. Đá granít ở xã Đakrông có màu sắc đẹp với trữ lượng dự báo khoảng 23 triệu m3.
- Vàng ở A Bung, A Vao và Tà Long có hàm lượng từ 0,1 đến 5,27g/tấn quặng. Hiện tại có điểm mỏ vàng A Vao đã có quyết định cấp phép khai thác vàng thời hạn 11 năm nhưng chưa tiến hành khai thác.
- Mỏ nước khoáng nóng tự nhiên ở Đakrông có lưu lượng 1,7 lít/giây, nhiệt độ bình quân 530C, độ pH = 7.
- Đất san lấp mặt bằng: hiện tại huyện có 02 điểm mỏ đã được phê duyệt quy hoạch mỏ đất làm vật liệu san lấp giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Mỏ Xa Vi Km34+500 QL9 tại thôn Xa Vi xã Hướng Hiệp, Mỏ Khe Lặn Km5 TL588a tại Khe Lặn xã Mò Ó. Tổng tài nguyên dự báo tại 2 mỏ này là 3.600 ngàn m3, diện tích 50,8 ha.
g) Tài nguyên nhân văn
Nhà truyền thống Trung đoàn 6 tại chiến khu Ba Lòng
Đakrông là địa phương có truyền thống đấu tranh cách mạng, nhân dân cần cù chịu khó, trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc cũng như trong xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới. Trong cả 2 cuộc kháng chiến, Đakrông đều là vùng chiến khu cách mạng. Chiến tranh đã đi qua để lại nhiều di chứng và mất mát, song cũng đã để lại nhiều di tích, địa danh lịch sử hào hùng như: chiến khu Ba Lòng, đường mòn Hồ Chí Minh, xưởng quân khí Khe Su, ...
Lễ hội Ariêuping
Là huyện miền núi với các đồng bào dân tộc PaKô, Vân Kiều, … mang nhiều sắc thái văn hóa độc đáo của dân tộc miền Tây Quảng Trị với các đặc trưng về văn hóa lễ hội (lễ hội Ariêuping, lễ hội Ada, lễ hội mừng lúa mới,...), trang phục, văn hóa đời sống (tục đi sim), nhạc cụ dân gian, văn hóa ẩm thực vùng cao độc đáo, văn hóa kiến trúc xây dựng… Đây là những tài nguyên rất quý để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch cộng đồng, du lịch khám phá…
Nhà ở đồng bào dân tộc Vân Kiều

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây